Hãy thử nhớ lại lần thuyết trình trước của bạn, hãy thử nhớ xem bạn đã nói gì trong ngày hôm đó, và bạn hãy nhớ lại xem những người nghe họ nhớ được gì từ bài thuyết trình của bạn.
Bạn không thế nhớ được gì? Bài thuyết trình của bạn rơi vào lãng quên, không đọng lại điều gì trong người nghe. Vậy là bài thuyết trình của bạn đã hoàn toàn thất bại. Và để không nằm trong số những người thất bại khi thuyết trình trước đám đông bạn cần nhớ những nguyên tắc sau đây.
1. Tạo mối liên kết với người nghe và cho họ thấy nhiệt huyết của bạn
Những người thuyết trình giỏi nhất cho rằng yếu tố quan trọng để có một buổi thuyết trình hiệu quả chính là mối liên kết giữa bạn và người nghe. Cách để tạo được “sợi dây” đó là hãy cho họ thấy niềm đam mê và nhiệt huyết của bạn.
Bên cạnh đó, hãy mỉm cười và dùng ánh mắt để kết nối với khán giả của bạn. Khi mỉm cười và nhìn vào mắt ai đó, bạn sẽ thu hút sự tập trung của họ vào bạn và điều bạn đang nói. Hành động này cũng khiến bạn giảm đi sự lo lắng vì nó tạo cảm giác như bạn đang thuyết trình cho một người, chứ không phải cả một đám đông lớn.
2. Tập trung vào điều khán giả cần biết
Khi chuẩn bị bài thuyết trình, bạn hãy nghĩ đến điều khán giả cần biết hoặc muốn biết, chứ không phải điều bạn có thể trình bày.
Khi thuyết trình, bạn cũng cần duy trì tập trung và hồi đáp những phản ứng của khán giả. Một người thuyết trình thành công luôn cố trình bày sao cho dễ hiểu nhất.
3. Nguyên tắc đơn giản: Hãy tập trung vào thông điệp cốt lõi
Khi lên kế hoạch thuyết trình, hãy đặt cho mình câu hỏi:
Điều cốt lõi để mọi người nhớ đến trong bài thuyết trình này là những gì?
Đối với thông điệp “chìa khóa” này, bạn hãy trình bày nó thật đơn giản và súc tích nhất có thể.
Một số chuyên gia khuyên bạn không nên dùng quá 15 từ để diễn giải các “keywords” quan trọng. Nếu những gì bạn định nói không liên quan đến các thông điệp chính, hãy lược bỏ chúng đi.
4. Hãy có một phần mở màn ấn tượng
Phần mở đầu của buổi thuyết trình rất quan trọng. Thông thường, mọi người sẽ thấy hứng thú nếu bạn mở đầu một cách vui vẻ. Vì thế, thay vì tốn nhiều thời gian giới thiệu bản thân một cách đơn điệu, hãy khuấy động bầu không khí và khiến mọi người trở nên thoải mái.
Gợi ý hay dành cho bạn chính là chuẩn bị sẵn một mẩu chuyện nhỏ thú vị có liên quan đến chủ đề bạn sắp đề cập.
5. Hãy là người kể chuyện thú vị
Những câu chuyện kể giúp thu hút sự chú ý và dễ dàng để ghi nhớ. Nếu bạn có thể lồng ghép các câu chuyện vào bài thuyết trình, các khán giả sẽ cảm thấy dễ đồng cảm và nhớ các vấn đề chính tốt hơn sau đó.
6. Hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể cũng là một “phương tiện” giúp truyền tải hiệu quả các thông điệp của bạn đến người nghe. Khi thuyết trình, hãy thể hiện mình một con người cởi mở và tự tin. Bạn nên di chuyển chậm rãi quanh sân khấu và giữa người nghe để gia tăng sự tương tác.
Bạn tuyệt đối đừng nên khoanh tay trước ngực, vòng tay sau lưng hoặc cho tay vào túi… vì tất cả hành động này đều vô tình “tố giác” bạn là một người bảo thủ, rụt rè và thiếu tự tin vào phần thuyết trình của mình.
7. Thư giãn, hít thở sâu và tận hưởng!
Nếu luôn “dọa” mình bằng ý nghĩ “Thuyết trình thật khó”, vậy bạn sẽ không thể bình tĩnh và thư giãn được.
Một cách hiệu quả cho vấn đề này chính là tập trung vào nhịp thở trước khi trình bày. Hãy hít thở sâu, thật đều và chậm rãi. Bạn cũng đừng quên duy trì nhịp thở đều đặn trong suốt khoảng thời gian thuyết trình.