Hieu ung tam ly nhan su

14 Hiệu ứng tâm lý ứng dụng hiệu quả trong Quản trị nhân sự

Trong thế giới kinh doanh đầy biến động, hiểu rõ về tâm lý là một yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường làm việc hiệu quả. Bài viết này sẽ khám phá hiệu ứng tâm lý và cách nó ảnh hưởng đến sự thành công của doanh nghiệp.

Hiệu ứng tâm lý là gì?

Hiệu ứng tâm lý là sự tác động của tư duy, cảm xúc và hành vi của con người. Nó thể hiện qua quyết định, tương tác, và sự phản ứng của nhân viên trong môi trường công việc. Hiểu rõ về hiệu ứng tâm lý giúp bạn:

  1. Tạo động lực cho nhân viên: Hiểu về tâm lý giúp bạn biết cách kích thích động lực và sự cam kết của nhân viên. Điều này quan trọng để duy trì hiệu suất làm việc và tạo sự hài lòng trong tổ chức.
  2. Xây dựng môi trường làm việc tích cực: Hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, sự hợp tác, và sự sáng tạo. Khi bạn hiểu rõ về tâm lý, bạn có thể tạo ra môi trường thúc đẩy sự phát triển cá nhân và chuyên nghiệp.
  3. Quản lý xung đột và căng thẳng: Hiểu về tâm lý giúp bạn dự đoán và giải quyết xung đột, tạo ra sự hòa hợp và sự cân bằng trong tổ chức.

Dưới đây là 14 hiệu ứng tâm lý

1. Lời tiên tri tự đúng

Robert Rosenthal – nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã từng làm một cuộc thí nghiệm thế này: Ông chia một nhóm chuột bạch thành hai nhóm A và B, nói với người nuôi dưỡng nhóm A rằng những chú chuột này rất thông minh, đồng thời lại nói với người nuôi dưỡng nhóm B rằng trí lực lực những chú chuột này chỉ bình thường thôi. Mấy tháng sau, ông cho hai nhóm chuột này làm một trắc nghiệm kiểu vượt qua mê cung và phát hiện nhóm A thật sự thông minh hơn nhóm B, chúng có thể ra khỏi mê cung tìm được thức ăn đầu tiên.

Ông nghĩ: Hiệu ứng này có thể xảy ra ở con người không? Thế là ông lại đến một trường trung học bình thường, ông vào một lớp học bất kỳ và khoanh tròn vài cái tên học sinh trong bảng danh sách, sau đó ông nói với giáo viên của những học sinh đó rằng: Những em này trí tuệ rất cao, rất thông minh. Qua một thời gian, ông trở lại trường và kỳ tích đã xảy ra: những học sinh mà ông chọn thật sự đã trở thành những người xuất sắc của lớp.

Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Đó chính là tác dụng đầy ma lực của một kiểu “ám thị” thần kỳ. Trong cuộc sống, mỗi người đều sẽ chịu sự ám thị tâm lý thế này hay thế kia, những ám thị này có cái tích cực, cũng có cái tiêu cực. Nếu một người chịu sự ám thị nào lâu dài thì kết quả họ sẽ trở thành đúng như loại ám thị đó.

2. Hiệu ứng quá giới hạn

Tác gia nổi tiếng của Mỹ – Mark Twain có lần nghe mục sư giảng trong nhà thờ. Lúc đầu, ông cảm thấy mục sư giảng rất hay, ông dự định sẽ quyên góp tiền. Nhưng qua 10 phút, ông bắt đầu mất kiên nhẫn nên quyết định quyên một ít tiền lẻ thôi. Qua 10 phút nữa, mục sư vẫn tiếp tục giảng, ông không quyên góp nữa. Đây được gọi là “hiệu ứng quá giới hạn”. Khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng.

Hiệu ứng này thường xảy ra trong việc giáo dục gia đình. Ví dụ khi đứa con phạm lỗi, bố mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó cùng lời khiển trách sẽ khiến đứa con từ buồn bã chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét. Một khi bị “bức” quá thì sẽ xuất hiện tâm lý và hành vi phản kháng kiểu “lần sau mình sẽ làm vậy nữa”. Có thể thấy, sự khiển trách và đánh giá của bố mẹ dành cho con cái không được vượt quá giới hạn. Cho dù muốn nhắc nhở lại thì cũng phải thay đổi góc độ, cách nói. Như thế thì trẻ mới không cảm thấy lỗi của mình cứ bị “giữ mãi không buông” mà sinh ra tâm lý chán ghét, phản nghịch.

3. Hiệu ứng Westerners

Nhà tâm lý học Westerners từng giảng một ngụ ngôn thế này: Một đám trẻ con chơi đùa huyên náo suốt ngày trước cửa nhà một ông lão. Mấy ngày qua, ông lão không thể chịu đựng nữa. Ông bèn cho mỗi đứa trẻ 10 đồng và nói: “Các cháu đã khiến ở đây thật náo nhiệt, làm cho ông cảm thấy mình trẻ lại, tiền này ông thưởng cho các cháu”. Bọn trẻ rất vui, hôm sau lại đến, nhưng lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 5 đồng. Bọn trẻ vẫn thích thú đến chơi ngày hôm sau, lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 2 đồng. Vậy là bọn trẻ tức giận bảo “Cả ngày mới được cả 2 đồng, ông có biết bọn cháu chơi đùa cũng mệt lắm không!”. Sau đó thì bọn trẻ không đến nhà ông lão chơi nữa.

Trong câu chuyện này, cách của ông lão rất đơn giản, ông đã biến động cơ bên trong “chơi vì niềm vui của chính mình” từ bọn trẻ trở thành động cơ bên ngoài “chơi vì để được tiền”, và khi ông lão thao túng nhân tố bên ngoài này thì cũng đã thao túng được hành vi của bọn trẻ.Hiệu ứng Westerners cũng thấy rõ trong cuộc sống. Ví dụ, bố mẹ thường nói với con cái: “Nếu lần này con thi được 10 điểm thì bố mẹ sẽ thưởng 100 ngàn”, “Nếu con thi đứng trong top 5 thì bố mẹ sẽ thưởng con một món đồ chơi mới” v.v. Người lớn chúng ta có lẽ không ngờ rằng cơ chế thưởng này không thỏa đáng, nó sẽ khiến hứng thú học tập của trẻ dần dần giảm đi.

4. Hiệu ứng Gió Nam

Hiệu ứng này bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn của tác gia người Pháp – Jean de La Fontaine: Gió Bắc và Gió Nam thi nhau xem ai thổi rơi áo khoác người đi đường. Gió Bắc thổi những luồng gió lạnh đến thấu xương, kết quả là người đi đường càng quấn áo chặt hơn. Gió Nam từ tốn lay động thật dịu và ánh mặt trời thật đẹp khiến người đi đường cảm thấy như mùa xuân tràn ngập, vậy là họ cởi áo khoác ra để thưởng thức bầu không khí dễ chịu ấy. Cuối cùng Gió Nam chiến thắng.Gió Nam trong câu chuyện sở dĩ đạt được mục đích là vì nó đã thuận theo nhu cầu nội tại của con người. Phản ứng tâm lý sinh ra do được kích thích cảm giác cá nhân và nhu cầu muốn thỏa mãn mình chính là “hiệu ứng Gió Nam”.

Xem thêm  Hiệu ứng Dunning-Kruger – Chứng ảo tưởng sức mạnh, không nhận ra thiếu sót của cá nhân

5. Hiệu ứng thùng gỗ

Một chiếc thùng được ghép từ nhiều mảnh gỗ, và nếu những mảnh gỗ này dài ngắn khác nhau thì rõ ràng: lượng nước chứa được trong thùng không phụ thuộc vào những mảnh gỗ dài, mà nó phụ thuộc vào chiều cao của mảnh gỗ ngắn nhất.Thành tích học tập chung của một đứa trẻ giống như chiếc thùng gỗ, trong đó thành tích mỗi một môn học là một miếng gỗ. Thành tích tốt không thể dựa vào sự xuất sắc (mảnh gỗ dài) ở vài môn học nào đó, mà nên chú trọng hoàn thiện ở một số mắc xích yếu (mảnh gỗ ngắn). Một người không thể xem nhẹ khiếm khuyết của mình và của cả người khác. Bạn muốn một ai đó hoàn thiện hơn thì không thể chỉ dựa vào sở trường, tài năng của họ mà quên đi sở đoản hay tật xấu, cho dù nhìn vào tưởng chừng như chúng không hề ảnh hưởng gì. Bởi vì một mảnh gỗ ngắn đi thôi cũng đủ làm nước trong cả thùng chảy ra ngoài.

6. Hiệu ứng Hawthorne

Tại công xưởng Hawthorne ở ngoại ô bang Chicago (Mỹ), công nhân thường xuyên bất bình nên tình hình sản xuất không tốt lắm. Sau đó, chuyên gia tâm lý đến đây làm một cuộc thí nghiệm trong thời gian 2 năm: ông trò chuyện riêng với hơn 20.000 công nhân và nhẫn nại lắng nghe mọi ý kiến bất mãn của họ đối với công xưởng. Cuộc thí nghiệm đã đem lại kết quả không ngờ: sản lượng đã tăng vượt bậc. Rõ ràng, con người có rất nhiều thắc mắc hoặc bất mãn nhưng không phải lúc nào cũng có thể biểu đạt ra được. Sau khi họ “được nói” thì sẽ có một sự thỏa mãn, họ cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

7. Hiệu ứng tăng giảm

Hiệu ứng này trong giao tiếp giữa người với người: Bất cứ ai cũng đều hy vọng sự yêu thích, ưu tiên của đối phương dành cho mình “không ngừng tăng lên” chứ không phải “không ngừng giảm đi”. Rất nhiều người bán hàng nắm được tâm lý này của khách hàng, nên khi cân món hàng, họ luôn lấy một phần nhỏ để lên rồi từ từ “thêm vào thêm vào” cho đủ số lượng, chứ không lấy một phần lớn rồi sau đó lại “bớt ra bớt ra”. Mặc dù cả hai cách đều đạt kết quả như nhau nhưng hành động “thêm vào” sẽ khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn rất nhiều.Khi chúng ta phê bình đánh giá ai thường “khen trước, chê sau”. Kỳ thực cách này không lý tưởng lắm, tốt hơn hết là hãy chỉ ra những lỗi lầm rồi sau đó khích lệ bằng những “thành quả” đạt được, như thế họ sẽ dễ dàng tiếp thu nhận xét của bạn và có thiện chí sửa chữa hơn.

8. Hiệu ứng bươm bướm

Nghiên cứu cho thấy, những khí lưu yếu và nhỏ của một con bươm bướm tình cờ vỗ cánh ở Nam bán cầu kết hợp với vô số các nhân tố khác thì sau vài tuần đã biến thành một trận vòi rồng ở bang Texas (Mỹ)! Các nhà khoa học gọi đây là “hiệu ứng bươm bướm”: Một nhân tố khởi nguồn cực nhỏ, trải qua một thời gian nhất định dưới tác dụng của các nhân tố khác thì hoàn toàn có thể phát triển thành sức ảnh hưởng cực kỳ lớn và phức tạp.Đừng bao giờ xem thường những thứ nhỏ bé. Một câu nói, một chuyện, một hành vi nhỏ nếu như đúng đắn sẽ ảnh hưởng tích cực rất lớn, còn nếu sai lệch thì ảnh hưởng tiêu cực cũng lớn như vậy.

9. Hiệu ứng đóng kí hiệu

Trong thế chiến 2, Mỹ do binh lính không đủ nên đã đưa tù nhân ra tiền tuyến chiến đấu. Mỹ đặc phái vài chuyên gia tâm lý đến huấn luyện các tù nhân này và theo họ cùng ra tiền tuyến.

Trong thời gian huấn luyện, các nhà tâm lý bắt mỗi người mỗi tuần phải viết một lá thư tỉ mỉ cho người thân nhất của mình. Nội dung thư như sau: biểu hiện của tù nhân trong ngục tốt như thế nào, tự cải tạo mình như thế nào v.v. Sau 3 tháng ra tiền tuyến, nhà tâm lý lại yêu cầu họ viết thư rằng họ đã phục tùng chỉ huy như thế nào, chiến đấu dũng cảm ra sao v.v. Kết quả là, biểu hiện của đội binh tù nhân này không hề thua kém binh lính thực thụ. Họ trở nên giống y như những gì trong thư họ viết. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng đóng kí hiệu”, còn có tên gọi khác là “hiệu ứng ám thị”.

10. Hiệu ứng ngưỡng vào

Cuộc sống hằng ngày có một hiện tượng thế này: Khi bạn bắt đầu nhờ người khác giúp đỡ, nếu đưa yêu cầu quá cao thì rất dễ bị cự tuyệt, ngược lại nếu đầu tiên bạn đưa ra yêu cầu nhỏ thôi, sau khi người khác đồng ý hãy tăng thêm yêu cầu thì sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn. Các nhà tâm lý học gọi đây là “hiệu ứng ngưỡng vào”. Trong giáo dục con cái, hãy yêu cầu thấp thôi, khi trẻ đã làm đúng rồi, hãy cho chúng sự khẳng định và biểu dương, khích lệ, thế thì những yêu cầu tăng dần sau đó sẽ khiến trẻ vui vẻ thực hiện hơn.

11. Hiệu ứng 5 con khỉ

Một số nhà khoa học làm thí nghiệm, nhốt năm con khỉ trong một cái chuồng, trong chuồng là một cái thang và trên đỉnh của nó là nải chuối. Mỗi khi có một con khỉ leo lên thang, các nhà khoa học lại xịt nước lạnh lên những con còn lại.

Sau một thời gian, hễ có con khỉ nào leo lên thang sẽ bị các con còn lại đánh. Lại sau một thời gian, không còn con khỉ nào leo thang nữa bất chấp sự cám dỗ của nải chuối. Các nhà khoa học quyết định thay một con khỉ trong đám bằng một con mới. Điều đầu tiên con khỉ này làm là leo lên thang, và ngay lập tức bị đám khỉ còn lại vây đánh. Sau nhiều lần ăn đòn, con khỉ mới học được rằng không nên leo lên thang nếu không muốn bị đánh, dù rằng chẳng hiểu vì sao. Thêm một con khỉ nữa được thay thế, và sự việc tương tự lại diễn ra. Thậm chí con khỉ bị thay thứ nhất cũng tham gia vào việc đánh hội đồng con khỉ thứ hai. Cứ thế, cứ thế… mọi việc diễn ra tương tự cho đến khi thay hết cả năm con khỉ.

Xem thêm  OLE - Phương pháp đo lường hiệu quả công việc toàn diện

Chúng cứ tiếp tục đánh những con khỉ nào muốn leo lên thang cho dù chúng chưa hề bị xịt nước lạnh lần nào. Nếu có thể hỏi những con khỉ này vì sao lại đánh những con khỉ cố leo lên thang, thì chắc câu trả lời sẽ là “Tôi không biết, đó là những gì vẫn diễn ra thường ngày thôi mà” kiểu như là “NGƯỜI TA SAO THÌ MÌNH VẬY”.

Hiệu ứng này thể hiện: một người có khuynh hướng làm theo hay tin theo một việc có nhiều người làm hay tin dù chẳng hiểu vì sao.

12. Hiệu ứng con khỉ thứ 100

Năm 1952, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu hành vi của Macasa Fuscata, một giống khỉ ở đảo Koshima. Họ cho những chú khỉ ở đây những củ khoai lang khá ngon nhưng còn vấy bẩn cát. Lũ khỉ thích thú với những củ khoai lang nhưng thấy khó chịu với cát bẩn bám đầy trên đó. Một con khỉ cái 18 tháng tuổi phát hiện ra nó có thể loại bỏ những vết bẩn bằng cách rửa sạch chúng với nước. Sau đó nó “dạy” “chiêu” này cho mẹ của nó và những con khỉ khác cùng lứa với nó bắt chước làm theo. Một số ít những con khỉ lớn hơn cũng “tò mò” học theo và biết cách rửa sạch khoai để ăn ngon hơn.

Mùa thu năm 1958, một vài điều khác lạ xảy ra. Một đám đông những con khỉ khác nữa cũng lại bắt chước theo và biết cách rửa khoai, ước chừng khoảng 99 con. Cho đến khi, một mức ngưỡng quan trọng xuất hiện. Con khỉ thứ 100 bắt đầu biết rửa khoai. Và từ lúc này, việc rửa khoai trước khi ăn đã lan ra những đảo khác mà không có sự giao tiếp,“chỉ dạy” nào giữa những chú khỉ ở đảo này với đảo kia. Việc rửa khoai đã trở thành một kỹ năng trong ý thức của bầy khỉ.

Hiện tượng này được xem như hiệu ứng của “con khỉ thứ 100”.Về mặt tâm lý, hiệu ứng “con khỉ thứ 100” khá tương đồng với hiệu ứng tâm lý bầy đàn, tức trong cuộc sống sẽ có rất nhiều người hành xử đơn thuần là vì thấy người khác làm vậy. Nhưng hiệu ứng này có một điểm thú vị hơn nằm ở chỗ là nó có sự xuất hiện của điểm bùng phát – một hiệu ứng tâm lý khác nói về việc “khi lượng tích đủ thì chất biến đổi”.

Ứng dụng nó trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy như sau:”Sự tử tế hay sự vô tâm, văn hóa tốt hay tập quán xấu, hành động lịch sự hay hành động khiếm nhã,… tất cả đều có một điểm chung ở chỗ: khi có một số lượng người nhất định chấp nhận nó, nó sẽ trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống!”

13. Hiệu ứng Cửa sổ vỡ

Năm 1969 nhà tâm lý học Philip Zimbardo của Đại học Stanford tiến hành một cuộc thử nghiệm. Ông bỏ hai chiếc ôtô hỏng và không có biển số lần lượt tại khu dân cư có thu nhập thấp thuộc quận Bronx, New York và khu dân cư giàu có tại thành phố Palo Alto, bang California. Chỉ trong 24 giờ, chiếc xe tại quận Bronx bị đập vỡ cửa kính và trộm hết phụ tùng. Ngược lại, chiếc xe tại thành phố Palo Alto vẫn nguyên vẹn trong hơn một tuần. Chỉ sau khi Zimbardo dùng búa tạ đập xe, một số người mới hùa theo. Đa số kẻ phá hoại ở cả hai thành phố được mô tả là “ăn mặc lịch sự, mặt mũi sáng sủa”.

Nhưng những gì diễn ra tiếp theo mới rất thú vị.

Năm 1982, nhiều năm sau thí nghiệm của Zimbardo, kết quả trên được nhắc lại trong bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic của nhà khoa học xã hội George Kelling. Lần đầu tiên người này nhắc tới lý thuyết “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”.

Nếu ai đó làm vỡ kính cửa sổ của một tòa nhà và không sửa chữa kịp thời thì kính cửa sổ sẽ bị vỡ nhiều hơn. Nguyên nhân là khi nhìn thấy cửa sổ vỡ, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng tiếp tục phá các ô cửa sổ khác để thực hiện tội ác.

Lý thuyết này thực sự rất dễ hiểu. Ví dụ hành lang vốn dĩ rất sạch sẽ, nhưng nếu ai đó ném túi rác vào góc tường và không được dọn dẹp kịp thời, một vài túi rác sẽ sớm trở thành bãi rác lớn. Lâu dần hành lang sẽ trở thành nơi tập kết rác và trở nên hôi hám, bẩn thỉu. Đây chính là “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”. Ban đầu chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nếu không kịp thời khắc phục, vấn đề sẽ ngày càng lớn và hậu quả trở nên nghiêm trọng.

Ứng dụng hai thuyết này trong Quản trị Nhân sự, chúng ta có thể nhận ra: Sự tử tế hay sự vô tâm, văn hóa tốt hay tập quán xấu, hành động lịch sự hay hành động khiếm nhã,… tất cả đều có một điểm chung ở chỗ: khi có một số lượng người nhất định chấp nhận nó, nó sẽ trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống! Muốn xây dựng văn hóa công ty tốt, phải bắt đầu từ những bước nhỏ, người này làm gương cho người kia, và tuyệt đối không để một vài cá nhân làm ảnh hưởng xấu đến cả một bộ máy.

14. Hiệu ứng Viên kẹo

Hàng xóm của bạn có một đứa bé kháu khỉnh đáng yêu, bạn thấy quý nó vô cùng. Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều đó rất tự nguyện, thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo.Rồi một ngày kia, bạn gặp chút mệt mỏi và quên bẵng mất mình đã hết kẹo mà chưa đi mua. Gặp đứa bé trên đường đi làm về, bạn xoa đầu nó và bảo: “Chú hết kẹo rồi”. Bỗng dưng bạn thấy thái độ của nó lập tức thay đổi. Nó thờ ơ, lạnh lùng gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa. Hoặc nó đi khắp nơi nói nói với mọi người rằng bạn không còn tốt với nó nữa.

Triết lý viên kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn.

(Nguồn: Sưu tầm)