Thiết lập ngân sách
Khi ngân sách được hoạch định kỹ càng, doanh nghiệp sẽ đi đúng hướng, đưa ra các quyết định đúng đắn và dễ dàng hoàn thành các mục tiêu. Sau khi đã hoạch định được ngân sách, bước tiếp theo là xác định những công việc cụ thể để giám sát và hoàn thành năng suất theo đúng lộ trình của năm tài chính (khoảng thời gian có độ dài tương đương một năm).
Dù đóng vai trò quan trọng như vậy, thế nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn thất bại trong việc thiết lập và tận dụng triệt để yếu tố này. Lý do thì rất nhiều như “Hoạch định ngân sách ngốn quá nhiều thời gian”, “Tốt hơn hết nên tìm cách tăng doanh số”… nhưng dẫu là gì đi nữa thì ngân sách vẫn luôn là một phần không thế thiếu trong kế hoạch kinh doanh và sẽ giúp doanh nghiệp gây ấn tượng với các đối tác ngân hàng.
Vậy thì, các bước cần thiết để bắt đầu hoạch định ngân sách là gì? Bạn có thể tham khảo gợi ý sau:
- Đánh giá các báo cáo dòng tiền, lợi nhuận và bảng cân đối kế toán năm tài chính trước.
- Chú ý đến chi phí vận hành, chi phí trực tiếp, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế.
- Điều chỉnh/ tính toán giá gốc và chi phí để đánh giá xu hướng hiện tại.
- Đưa ra bảng dự báo doanh số thực tế dựa trên các dòng sản phẩm và mùa vụ.
- Dựa trên các kì thanh toán cho bên mua và nhà cung cấp, dự đoán dòng tiền và tình hình tiền mặt mỗi cuối tháng.
- Xác định các khoản thiếu hụt tài chính.
Dự báo doanh số bán hàng
Với bảng dự báo doanh số sát với thực tế, doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa mức tồn kho và dòng tiền vào mỗi kỳ. Có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc khi soạn thảo bảng dự báo, chẳng hạn như mức tăng trưởng kinh tế, nhu cầu, cạnh tranh, mùa vụ và kỳ vọng về tỉ trọng quy mô thị trường mà bạn nhắm đến. Bạn cũng nên dựa vào kinh nghiệm và thực tế trước đây để ước lượng. Có được mục tiêu rõ ràng, bạn có thể triển khai các nguồn lực như nhân lực bán hàng và chi phí tiếp thị một cách hợp lý để hoàn thành mục tiêu kinh doanh.
Dòng tiền
Dòng tiền có thể được định nghĩa là sự chênh lệch giữa số dư đầu kì và cuối kì. Dòng tiền dương (dòng tiền mặt của doanh nghiệp thu vào cao hơn chi ra) từ các hoạt động kinh doanh sẽ giúp chi trả chi phí vận hành và chi phí tồn kho, từ đó gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Dòng tiền dương ổn định sẽ giúp tăng khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của môt tài sản (được gọi là thanh khoản) và giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới hay đầu tư vốn để gia tăng lợi nhuận.
Thanh khoản là phao cứu sinh cho các DNVVN, thế nhưng không nên nhầm lẫn giữa thanh khoản với lợi nhuận. Các DNVVN có thể vận hành mà không có lợi nhuận trong một khoảng thời gian, nhưng họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ không thể đáp ứng được các khoản thanh toán quan trọng, thậm chí vỡ nợ. Có thể nói, khi chi phí phải chi vượt quá lượng tiền mặt sở hữu, đó là lúc dòng tiền của doanh nghiệp đang có vấn đề. Để ngăn chặn tình huống này, bạn cần xem xét lại ngân sách, điều chỉnh doanh thu và chi phí (ví như gia tăng các hoạt động bán hàng, trì hoãn thanh toán cho nhà cung cấp, thúc đẩy thu hồi các khoản nợ hay tìm kiếm tổ chức tài chính) để bù đắp cho khoản thiếu hụt.
Công nghệ
Công nghệ cũng chính là một vấn đề nan giải với các DNVVN. Nguyên nhân có thể xuất phát từ quan điểm sai lầm phổ biến: công nghệ khá tốn kém và chỉ dành cho những công ty có quy mô nhất định.
Theo quan sát của tôi, rất nhiều doanh nghiệp vẫn bị mắc kẹt trong quy trình làm việc lỗi thời và nhỏ nhặt. Họ không biết rằng sở hữu công nghệ và giải pháp phù hợp sẽ giúp gia tăng năng suất và giải phóng nguồn lực cho các hoạt động tạo ra doanh thu.
Bí quyết áp dụng công nghệ ở đây nằm ở việc hiểu được điểm yếu thực sự của doanh nghiệp và lựa chọn giải pháp phù hơp với quy mô kinh doanh. Sẽ tốt hơn nếu có sự tư vấn của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính về giải pháp toàn diện/có chọn lọc (ví dụ: hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, hệ thống quản trị quan hệ khách hàng hay hệ thống điểm bán hàng – POS) để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.
Khi đã xác định được điểm yếu và lựa chọn được phương án, bạn sẽ cần cân nhắc khoản đầu tư này là từ dòng tiền bên trong hay nguồn tài chính bên ngoài.
Giữ chân nhân viên
Thu hút và giữ chân nhân tài luôn là một thách thức đối với các DNVVN. Cùng với sự phát triển của các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ như Google và Grab, nhân viên liên tục tìm kiếm những môi trường, những trải nghiệm làm việc có thể truyền cảm hứng. Bạn cũng thấy rằng vẻ hào nhoáng của các không gian làm việc chỉ là ấn tượng ban đầu, về lâu dài, nhân viên thực sự muốn được đào tạo, trải nghiệm và phát triển khả năng của bản thân hơn nữa. Chỉ có vậy họ mới gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp. Vì thế, bạn hãy dành thời gian để xem xét kế hoạch nghề nghiệp cho từng vị trí trong công ty và vạch ra một chương trình đào tạo phù hợp để phát triển nhân tài. Hãy tổ chức những buổi hội thảo vào cuối tuần hoặc họp mặt bên ngoài để nhân viên được đóng góp ý tưởng một cách thoải mái nhất. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời bởi họ sẽ cảm nhận được sự quan tâm từ phía doanh nghiệp, qua đó tăng mức độ niềm tin và tự hào là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển của doanh nghiệp.
Năng suất & quản lý hiệu suất
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường hoạt động với nguồn nhân lực rất hạn chế. Vì thế, tiến hành đào tạo để nhân viên làm việc hiệu quả và tăng hiệu suất trong vai trò tương ứng sẽ nâng cao năng suất và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đây chính là hướng đi lâu dài mà các DNVVN nên xem xét.
Một quan niệm sai lầm phổ biến khác nữa về vấn đề đào tạo, đó là đòi hỏi nhân viên phải tạm ngưng công việc hàng ngày của họ. Thế nhưng, sự thật là, tùy vào quy mô của công ty, nhân sự chủ chốt có thể là người huấn luyện và hướng dẫn cho nhân viên của mình. Ví dụ, cùng tham gia với nhóm bán hàng trong một ngày và quan sát công việc của họ; nhân sự chủ chốt có thể giúp cải thiện bài giới thiệu bán hàng hay lịch trình hàng ngày để đạt hiệu quả tối đa. Không thể đánh giá thấp hiệu quả của việc huấn luyện định kỳ. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm và tránh tình trạng nhàm chán của nhân viên, doanh nghiệp nên có các hoạt động kết nối như team building, nghỉ dưỡng… định kỳ theo quý hay năm, tùy vào nguồn doanh thu của mỗi doanh nghiệp.
(Nguồn: UOB)