Gamification không chỉ trở thành từ khóa “hot” mà còn giữ vai trò quan trọng trong quản trị và đào tạo nhân sự.
Gamification là gì? Tại sao gamification trở nên phổ biến trong quản trị và đào tạo nhân sự?
Gamification, hay “game hóa” là cách ứng dụng cơ chế, tính năng của game vào các lĩnh vực khác. Một số lĩnh vực có thể được game hóa là marketing, giáo dục, văn hóa doanh nghiệp, tuyển dụng và đào tạo, phát triển nhân sự…
Theo quan điểm truyền thống, hoạt động được dán nhãn “trò chơi” có thể không được xem trọng và bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp trong môi trường đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, không thể phủ nhận các lợi ích mà trò chơi mang lại, trong đó điều quan trọng nhất là nó giúp thay đổi tâm lý của nhân viên, từ “phải làm” thành “muốn chơi”. Bản thân người từng chơi game sẽ hiểu cảm giác nỗ lực chinh phục một cấp độ để đi tiếp đã kích thích sự tham gia của họ như thế nào.
Hơn nữa, Gamification còn làm tăng sự gắn kết giữa nhân viên, vừa nâng cao tinh thần đồng đội, vừa cải thiện kỹ năng hợp tác, trong khi vẫn duy trì sự cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ, nhà quản trị có thể xây dựng một “hệ thống nhiệm vụ” dành cho các nhóm nhân viên, với yêu cầu hoàn thành để tích lũy điểm thưởng và công khai bảng xếp hạng điểm tích lũy cho nhóm cùng cá nhân, đi kèm phần thưởng cụ thể cho từng cột mốc.
Hệ thống được game hóa này sẽ giúp tăng cường sự cạnh tranh giữa các nhóm và giữa nhân viên với nhau, vì khi đã “vào cuộc chơi”, ai cũng muốn được xếp hạng cao nhất để nhận thưởng. Do đó, với hoạt động trên, nhân viên sẽ có động lực để tiến bộ và vì tất cả đều chơi chung, cũng như có bảng xếp hạng công khai nên yên tâm về tính công bằng. Thêm vào đó, trò chơi chung này cũng là cách để nhân sự mới có trải nghiệm tại tổ chức khi được sớm gắn kết với các thành viên khác.
Hiệu quả của Gamification trong Đào tạo nhân sự
Khi được nhà quản trị ứng dụng khéo léo, sáng tạo, Gamification sẽ mang đến nhiều lợi ích, bởi khả năng khơi gợi cảm hứng và sự vui thích, cũng như tạo động lực. Một khảo sát từ Talent Ims cho thấy hiệu quả của Gamification, khi 79% nhân viên khẳng định họ có được động lực và mục đích tại nơi làm việc nhờ công việc được game hóa. Trong khi đó, 85% nói sẽ dành nhiều thời gian hơn cho phần mềm được game hóa và 97% nhân viên ở độ tuổi 45+ khẳng định game hóa cải thiện chất lượng công việc của họ.
Gia tăng sự tham gia vào việc đào tạo: Gamification tác động vào bản chất cạnh tranh của nhân viên, gia tăng trải nghiệm học tập, đồng thời khuyến khích nhân viên thảo luận với đồng nghiệp khác.
Giúp nhân viên yêu thích việc đào tạo: Theo cách đào tạo truyền thống, nhân viên thường liên tưởng việc đào tạo tới sự nhàm chán, ép buộc và mất thời gian. Gamification mang lại sự hào hứng tự nhiên cho người học, tạo ra sự thay đổi trong thái độ cho người học, khuyến khích họ nhìn việc học một cách tích cực. Hơn nữa, nó giúp học viên có thể giảm căng thẳng, áp lực với những cách học tiêu cực khác và gia tăng việc trao quyền bằng cách giúp người học tự kiểm soát trải nghiệm cá nhân.
Biến việc học tập trở thành thói quen của nhân viên và văn hoá của tổ chức: Còn gì tuyệt vời hơn khi không cần ra lệnh, yêu cầu, nhân viên của bạn vẫn chủ động học tập vì họ thấy yêu thích việc học, thích những sự khích lệ liên tục qua những phần thưởng nhỏ với cơ chế Gamification.
Tối đa hóa ROI (tỷ lệ chuyển đổi kết quả trên chi phí bỏ ra): Thành công của việc đào tạo phụ thuộc vào nội dung được phân phối hiệu quả, thông qua các bài học micro learning và gamification. Kết hợp bộ đôi mạnh mẽ này sẽ tối đa hóa hiệu quả học tập trên ngân sách đào tạo bỏ ra.
3 hình mẫu thành công trong việc ứng dụng gamification
Cisco đào tạo kỹ năng truyền thông xã hội
Tại Cisco, gamification được ứng dụng cho chương trình đào tạo truyền thông xã hội. Theo đó, Cisco đã giới thiệu ba cấp độ “danh hiệu”, gồm chuyên viên, chiến lược gia, bậc thầy; song song với 4 cấp độ phụ dành cho nhóm nhân sự, truyền thông, bán hàng, đối tác nội bộ; chương trình còn có thử thách nhóm để phát huy tính cạnh tranh và tinh thần đồng đội.
Ở cấp chuyên viên, “người chơi” phải tham gia 15 khóa học. Ở cấp chiến lược gia được yêu cầu học thêm 13 khóa nữa và viết một bài trên blog cá nhân. Ở cấp bậc thầy, phải tham gia tiếp 10 khóa học và xây dựng một case study để minh họa cho một sáng kiến truyền thông xã hội, hoặc xây dựng chiến lược truyền thông xã hội.
Kết quả, quản lý bộ phận account học được cách sử dụng Twitter để tiếp cận khách hàng, trong khi quản lý nguồn nhân lực học được cách sử dụng LinkedIn để tiếp cận ứng viên tiềm năng. Những vị trí khác như marketing, phát triển sản phẩm cũng nhận được lợi ích từ chương trình này.
Deloitte tuyển chọn nhân sự
Hợp tác với một nhà phát triển phần mềm, Deloitte đã tạo ra ứng dụng Firefly Freedom – một game điện thoại phục vụ tuyển chọn nhân sự. Thoạt nhìn, ứng dụng này không khác gì một game điện thoại thông thường nhưng dữ liệu có được từ người chơi sẽ giúp phản ánh tư duy của ứng viên. Thông qua 3.000 điểm dữ liệu thu thập từ việc ra quyết định trong trò chơi, tính cách cùng tư duy không thể thu thập qua quá trình phỏng vấn của ứng viên sẽ được khắc họa rõ nét. Cách làm này giúp bộ phận tuyển dụng nhân sự tại Deloitte không rơi vào cái bẫy của sự định kiến.
Microsoft tăng tương tác và phản hồi
Bộ phận thử nghiệm của Microsoft từng đối mặt với một thách thức khi phải tiến hành nhiều cuộc kiểm tra định kỳ, trong đó yêu cầu nhân viên bàn giao máy tính qua đêm. Đây là nhiệm vụ khó khăn, do hầu hết nhân viên đều ngần ngại trong việc hợp tác. Thế nên, bộ phận thử nghiệm đã quyết định “game hóa” nhiệm vụ này.
Mỗi máy tính đến lượt kiểm tra sẽ được liên kết với trò chơi “người treo cổ” (hangman game), đi cùng một bảng xếp hạng ghi lại thành tích của mỗi thành viên trong nhóm. Microsoft còn liên kết số điểm đạt được từ trò chơi với các khoản đóng góp ngoài đời thực tại 5 tổ chức từ thiện là đối tác của tập đoàn, nhờ đó khơi gợi lòng trắc ẩn của nhân viên. Kết quả, lượng phản hồi tăng đến 16 lần và hàng nghìn USD đã được đóng góp.
Vậy nên có thể thấy Gamification là công cụ đắc lực của nhà quản trị, giúp ích trong đào tạo nhân sự. Với Gamification, việc “học” sẽ được thay đổi thành “chơi”, giúp các hạng mục đào tạo khô khan trở nên bớt nhàm chán. Nhà quản trị có thể kiểm soát chất lượng đào tạo thông qua hệ thống nhiệm vụ và đánh giá đúng mức độ phát triển kỹ năng của học viên, nếu áp dụng hình thức game nhập vai (RPG).